Đăng ký hội viên
Tìm kiếm  
New Page 1
 Sẻ chia khó khăn cùng doanh nghiệp




Thứ Năm, 29/03/2012 - 10:14

Sẻ chia khó khăn cùng doanh nghiệp

(DĐDN) VCCI vừa tổ chức Hội nghị BCH VCCI lần thứ 8, khoá V nhằm đánh giá các hoạt động của VCCI, tình hình kinh tế, DN và triển khai chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 09 - NQ/TW của Bộ Chính trị.
 
Các Uỷ viên Ban chấp hành VCCI cho rằng, trong lúc khó khăn như hiện nay,
cộng đồng DN rất cần sự hỗ trợ của VCCI - như người dẫn đường

Trong các nội dung của Hội nghị, vấn đề khó khăn về vốn, lãi suất... của cộng đồng DN đã được các uỷ viên BCH VCCI đưa lên bàn nghị sự với mong muốn: VCCI sẽ sát cánh cùng DN, kiến nghị với nhà nước tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn trong bối cảnh dự báo 6 tháng đầu năm 2012, cộng đồng DN sẽ tiếp tục đối mặt với khó khăn về vốn, lãi suất và thị trường đầu ra...

Liêu xiêu vì thiếu vốn

Ông Nguyễn Văn Khởi - Ủy viên BCH VCCI, Chủ tịch Hội đồng thành viên TCty Xây dựng Sài Gòn - TNHH MTV cho rằng, lãi suất ngân hàng cao đang khiến nhiều DN khó khăn, sản xuất cầm chừng. Tuy nhiên, điều đáng nói là trong bối cảnh đó lại đang có những chính sách gây khó khăn hơn cho DN. Trong khi, đáng lẽ phải thực thi chính sách khoan sức dân như: giảm thuế, giãn nợ thuế DN... thì thuế lại đang thực hiện chính sách tận thu, thu tối đa.

Đồng tình với quan điểm trên, Ủy viên BCH VCCI, Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Thái Bình Trần Quốc Khoa thậm chí còn ví von tình hình DN đang trong tình trạng “nín thở”, nếu không có giải pháp thích hợp thì sẽ dẫn đến “tắt thở”. Ông Khoa ví dụ ngay tại tỉnh Thái Bình, trong năm 2011 có 622 DN được thành lập thì số lượng DN giải thể lên tới gần 200 DN. Thậm chí có DN lỗ 2,9 tỉ thì trong đó... 2,7 tỉ là khoản phải trả lãi ngân hàng.

Theo ông Khoa, trong khi lãi suất còn cao thì đa số các yếu tố đầu vào đều tăng đã khiến đa số DN làm ăn không hiệu quả, kém cạnh tranh, hàng hoá không bán được dẫn tới thua lỗ.

Ngân hàng “ngại” cho DN vay vốn

Mặc dù các DN đang trong tình trạng “khát” vốn như vậy, song điều đáng nói là nhiều ngân hàng không phải không có tiền, thậm chí còn nhiều tiền cũng không dám cho DN vay với lý do là để đảm bảo an toàn cho dòng vốn của mình. Điều nghe có vẻ bất hơp lý này được bà Nguyễn Thị Nga - Ủy viên BCH VCCI, Chủ tịch ngân hàng Seabank giải thích: do ngân hàng “sợ” DN không trả được tiền hoặc khó đòi, điều này sẽ dẫn tới việc mất thanh khoản. Ngay như Seabank, đang là ngân hàng ở nhóm I, hạng A trong 4 nhóm mà Ngân hàng nhà nước phân loại - về thanh khoản ngân hàng thừa nhiều tiền nhưng không dám cho DN vay, nếu cho vay không đòi được sẽ mất thanh khoản, và bị ngân hàng nhà nước hạ xuống loại thấp bởi nợ quá hạn bị khống chế không quá 3% khiến nhiều ngân hàng có tâm lý giữ tiền cho ... chắc ăn. “Các ngân hàng đang phải chịu rất nhiều thông tư, chỉ thị, quyết định của Ngân hàng nhà nước nên cũng chịu những sức ép” - Bà Nga nhấn mạnh.

Theo bà Nga, khó khăn hiện đang thực sự ngấm vào từng “tế bào” của DN, dẫn tới nhiều DN liêu xiêu và ảnh hưởng rất nặng tới nền kinh tế. Nhà nước cần có các chính sách phù hợp để hỗ trợ cho các ngành trọng yếu. Bản thân bà Nga, ngoài ngân hàng Seabank còn sở hữu nhiều DN hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau cũng phải thừa nhận, lãi suất 20% như thời gian vừa qua là quá cao và không có DN nào chịu nổi.

Vai trò “người dẫn đường” của VCCI

Các Uỷ viên Ban chấp hành VCCI cho rằng, trong lúc khó khăn như hiện nay, cộng đồng DN rất cần sự hỗ trợ của VCCI. Giống như người dẫn đường, VCCI cần đi sâu vào từng ngành để hỗ trợ  và chia sẻ khó khăn cùng DN, đặc biệt là các lĩnh vực trọng yếu của nền kinh tế như: nông nghiệp nông thôn, DNNVV, lĩnh vực đảm bảo an sinh xã hội...; kiến nghị với Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng nhà nước đưa ra những quyết sách hỗ trợ DN bằng cách giãn nợ cho DN, giãn biên độ phân kỳ nợ quá hạn cho một số ngành trọng yếu.

Các DN cũng đề nghị VCCI đề xuất với nhà nước thực thi chính sách khoan sức dân để củng cố và nuôi nguồn thu chứ không nên tận thu. Bởi nếu DN phá sản sẽ kéo theo công ăn việc làm của người lao động giảm, đời sống người dân thêm khó khăn. Bên cạnh đó, cần nâng cao vai trò hiệp hội và hỗ trợ nâng cao năng lực cho hoạt động hiệp hội, vận động chính sách, đề nghị Chính phủ công nhận hiệp hội và các DN là hội đặc thù...

Một số DN cho rằng, để giải quyết khó khăn hiện nay đối với cộng đồng DN, Chính phủ cần có các chính sách tương đối ổn định, lâu dài về tiền tệ, tỉ giá, lãi suất, thuế... Bên cạnh đó, cần có chính sách khuyến khích sử dụng nguyên liệu trong nước, nếu phụ thuộc quá nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu sẽ khiến DN không chủ động và cần có sự đột phá về công nghiệp phụ trợ.

Đồng cảm với những khó khăn hiện nay của DN, VCCI nhận định, vấn đề tiếp cận vốn sẽ tiếp tục là chủ đề “nóng” của cộng đồng DN trong thời gian tới. Việc huy động vốn sẽ gặp phải một số rào cản, đó là vấn đề thủ tục huy động, lãi suất huy động cao... Trong đó, nhiều ngân hàng vẫn chưa quan tâm tới mảng khách hàng là DNNVV. Mặc dù ngân hàng nhà nước đang thực hiện tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, kiểm soát chặt chẽ vấn đề lãi suất huy động tại các ngân hàng thương mại và đã hạ trần lãi suất vào giữa tháng 3 vừa qua, song, mối lo tiếp cận vốn vẫn tồn tại vì lãi suất cao không phải là cản trở duy nhất trong việc tiếp cận tín dụng. Trên thực tế, chỉ sau khi hạ lãi suất, các DN mới ra quyết định có nên đầu tư mở rộng sản xuất hay không nên tác động của vấn đề hạ lãi suất chắc chắn sẽ có độ trễ, và ít nhất phải 3 tháng sau mới có thể đánh giá được.

Một lần nữa, VCCI khẳng định sẽ sát cánh cùng DN, tiếp tục lắng nghe, đồng thời sẽ kiến nghị các biện pháp phù hợp nhằm tháo gỡ những khó khăn, trở ngại của DN hiện nay.

Ông Huỳnh Văn Minh - Ủy viên BCH VCCI, Chủ tịch Hiệp hội DN TP HCM:
Cần chính sách hỗ trợ vốn và lãi suất hợp lý

Số lượng DN TP HCM chiếm khoảng 40- 50% số lượng DN cả nước. Nhiều DN đang sống dở, chết dở, nếu không có thuốc đặc trị trước sau gì cũng sẽ phá sản.

Chúng tôi đề nghị nhà nước cần có chính sách hỗ trợ vốn và lãi suất hợp lý cho DN, đặc biệt tập trung hỗ trợ cho các DN làm hàng XK, sản xuất nông nghiệp, hàng thiết yếu, hàng tiêu dùng bình ổn giá...

Bên cạnh đó, nhà nước nên có chính sách làm ấm dần bất động sản, ví dụ hỗ trợ cho các dự án đang dở dang. Đi đôi với giảm chi, siết chặt đầu tư, chi tiêu đồng thời cần giảm thu, không nên đưa ra các chính sách thuế không hợp lý, gây khó cho DN.

Cuối cùng là cần đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, càng khó khăn càng phải tháo gỡ, quyết định và xử lý nhanh chóng để giúp DN vượt qua thời khắc khó khăn hiện nay.

Ông Vân Thành Huy -Ủy viên BCH VCCI - Chủ tịch HĐQT, TGĐ Cty Đầu tư XNK Đak Lak:
Giải pháp chuyển vốn đầu tư dài hạn sang vốn kinh doanh

Nhiều DN trong lĩnh vực cà phê vốn chỉ có 50 – 70 tỉ, trong khi doanh thu lên tới cả ngàn tỉ đồng, phần lớn vốn phải đi vay ngân hàng. Như vậy, khi ngân hàng ngừng cho vay vốn DN chắc chắn sẽ gặp khó khăn, thậm chí là phá sản.

Vốn chủ sở hữu phần lớn DN phải đầu tư cho sản xuất như: nhà xưởng, kho bãi, máy móc thiết bị... DN muốn tăng doanh thu 15 - 20%/năm bắt buộc phải mở rộng sản xuất. Trong khi đó, lãi suất cao, giá cả đầu vào tăng mạnh, khiến tình hình kinh doanh của DN gặp rất nhiều khó khăn, lợi nhuận giảm.

Trước tình hình đó, để có vốn sản xuất, kinh doanh nhiều DN đa phải thu hẹp sản xuất, giảm sản lượng, cho công nhân nghỉ việc... Bản thân DN tôi cũng đang gặp nhiều khó khăn, phải thu hẹp sản xuất, nhiều tài sản trước đây, đặc biệt là bất động sản, chúng tôi dự định sẽ đầu tư dài hạn để mở rộng sản xuất, nhà xưởng... nay phải thu hẹp và chuyển từ nguồn vốn đầu tư dài hạn sang vốn kinh doanh, tức là phải bán đi để có vốn đảm bảo sự cho sự sống còn của DN lúc này.

Ông Nguyễn Tôn Quyền - Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản VN:
4 giải pháp của ngành gỗ

Ngân hàng nhà nước vừa đưa ra thông báo từ tháng 2/2012, ngành gỗ không được vay ngoại tệ với lãi suất ưu đãi nữa. Chúng tôi mỗi năm nhập khẩu khoảng 4 triệu m3 gỗ, với hơn 1 tỉ USD, nếu phải vay lãi suất 14% chắc chắn sẽ “sập tiệm”. Khó khăn thị trường đã tác động xấu tới sự tăng trưởng của ngành gỗ, nay lại gặp phải khó khăn về vay vốn sẽ khiến cho DN gỗ liêu xiêu.

Trong khó khăn, các DN ngành gỗ đã có chính sách riêng để hỗ trợ nhau: Thứ nhất là liên kết để tồn tại. Chúng ta hiện có 4 cụm công nghiệp gỗ ở Quảng Nam, Bình Định, Đồng Nai, Bình Dương đã quy tụ 70% DN gỗ VN. Những năm trước đây từng DN ký hợp đồng với nước ngoài, nhưng từ năm 2008 trở lại đây các DN đã liên kết để cùng phát triển. Chẳng hạn DN A ký hợp đồng, sau đó cùng mời các DN đến để chia sẻ mỗi DN làm một phần sau đó DN A lắp ráp lại và XK. Thứ hai, chúng tôi bàn bạc với các đối tác nước ngoài, chẳng hạn như IKEA về tình hình khó khăn và yêu cầu đối tác ứng trước vốn để làm. Thứ ba, cố gắng tận dụng nguyên liệu trong nước, giảm bớt chi phí đầu vào tăng giá trị gia tăng. Thứ tư, DN lớn hỗ trợ DN nhỏ...

Quốc Anh

Theo DDDN


Các Tin khác
    Tỉnh Bình Thuận tổ chức Lễ kỷ niệm “Ngày doanh nhân Việt Nam” (16/10/2023)
    Triển khai Bộ tiêu chí văn hóa kinh doanh Việt Nam với 8 tỉnh khu vực Đông Nam bộ (25/05/2023)
    Nghệ sĩ hội tụ cùng doanh nhân tại chương trình Nhạc hội Gala Doanh nhân 3 miền (25/11/2022)
    Khen thưởng doanh nhân, doanh nghiệp tiêu biểu (13/10/2022)
    Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Bình Thuận Chúc mừng ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10. (13/10/2022)
    VCCI công bố Sáu Quy tắc đạo đức doanh nhân Việt Nam (24/05/2022)
    Thủ tướng Chính phủ gặp mặt Hiệp hội Nữ doanh nhân Việt Nam (08/03/2022)
    Nữ doanh nhân thầm lặng làm việc thiện (20/10/2021)
    Tạo hình ảnh đẹp của doanh nghiệp, doanh nhân (13/10/2021)
    Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Bình Thuận Chúc mừng ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10. (13/10/2021)

HÌNH NỔI BẬT
HỘI VIÊN MỚI
ĐĂNG NHẬP
Tên đăng nhập

 Tên :
 Mật khẩu: 

   

HÌNH NỔI BẬT
New Page 1
LOGO HỘI VIÊN
THỐNG KÊ WEBSITE

Đang trực tuyến: 539

Lượt truy cập: dem truy cap 4468860

Bản quyền thuộc Hội Doanh nghiệp
HIỆP HỘI DOANH NGHIỆP BÌNH THUẬN.
Địa chỉ: 282 Nguyễn Hội - Tp. Phan Thiết - tỉnh Bình Thuận
Điện thoại: (062) 3831516
Email: vphiephoi@gmail.com, Website: www.doanhnghiepbinhthuan.vn
Thiết kế website bởi Công ty TNHH Giải pháp Trực tuyến Tính Thành - Mobile: 0917.668833