Đăng ký hội viên
Tìm kiếm  
New Page 1
 Ẩn số "bức tử" doanh nghiệp




Ẩn số "bức tử" doanh nghiệp
Thứ Tư, 18/04/2012 05:30 (GMT+7)

Không đợi đến năm 2012, nhiều doanh nghiệp (DN) đã “ngấm đòn” từ cuối năm ngoái, chủ yếu tập trung ở các ngành: xây dựng, da giày, thép, dệt may, gỗ. DNSG đã có chuyến đi tìm hiểu thực tế một số DN thuộc các ngành này để hiểu rõ hơn nguyên nhân dẫn đến hàng ngàn DN phá sản.

Ảnh: Quý Hòa
Khó từ trong trứng khó ra

“Năm 2011, tôi... tan tành”, - ông Nguyễn Hữu Phước, Giám đốc Công ty TNHH MTV SX - TM Nguyên Nguyên Phước, một trong số ít DN da giày sản xuất phục vụ cho thị trường nội địa, đã chua xót thừa nhận.

Tiếp chúng tôi tại xưởng giày ở Dĩ An, Bình Dương, ông Phước kể, DN ông mới vừa lên “hệ chính quy” được 3 năm nay nên mọi thứ vẫn còn khó khăn. Trước đó, ông chỉ làm dạng quy mô gia đình (tại Q.4, TP.HCM), nhưng vì đam mê ngành này nên quyết theo đuổi tới cùng.

Vì phục vụ cho nội địa nên DN ông đành chấp nhận làm đơn hàng theo thời vụ. Chính điều này khiến DN không thể chủ động về mặt nguyên phụ liệu lẫn chi phí nhân công cũng như đối đầu với sự cạnh tranh khốc liệt của hàng Trung Quốc.

Để tránh tình trạng có đơn hàng nhưng vật tư chưa về tới, ông Phước phải nhập về trước nên việc quản lý vật tư tồn kho đành phó mặc cho may rủi. Đó là chưa kể phải “nuôi quân” hằng tháng, phòng đơn hàng có đột ngột.

Theo thống kê của Hiệp hội Da Giày Việt Nam (Lefaso), tính từ năm 2008, ngành da giày có khoảng 825 DN nhỏ và vừa và trên 1.000 hộ cá thể tham gia hoạt động sản xuất. Phần lớn các hộ gia đình sản xuất và phát triển chủ yếu tại thị trường nội đia.

Ảnh: Quý Hòa
Song, điều đáng nói là gần như họ không chủ động được ngay trên sân nhà do quy mô nhỏ, mẫu mã, giá cả lại không theo kịp hàng Trung Quốc. Để có thể trụ lại ngành, một vài hộ cá thể đã mở rộng, từng bước đưa cơ sở đi lên mô hình DN.

Hơn 4 năm phát triển, đến nay trên thị trường giày dép nội địa ngoài Nguyên Nguyên Phước còn có Viễn Thịnh là quy mô tương đối, số còn lại đều quay về vạch xuất phát sản xuất theo hộ gia đình. “Để đi từ quy mô nhỏ lẻ lên DN bài bản, chúng tôi gần như phải tự thân vận động từ nguồn nhân lực đến vốn, kỹ thuật...”, ông Phước nói.

Năm 2011 đến thời điểm này, do những khó khăn từ thị trường trong nước, DN bị động đầu ra nên dẫn đến ngưỡng cạn vốn. Không có tài sản nào ngoài máy móc để thế chấp nên ông đành đi vay bên ngoài với lãi suất 35%/năm, nhằm duy trì sản xuất.

Trên thực tế, những DN da giày đang phát triển ở thị trường nội địa đều là những DN có tâm huyết nhưng cái khó của họ là vấn đề tiếp cận nguồn vốn ngân hàng. “Vốn thì ai không cần nhưng đã biết dù có trông chờ thì cũng không được giải quyết nên đành âm thầm tìm cách khác”, ông Phước trần tình.

Khi chúng tôi đặt câu hỏi vì sao DN như Nguyên Nguyên Phước không tìm kiếm những cơ hội gia công lại cho những “ông lớn”? Ông Phước thẳng thắn cho biết, DN nhỏ không kỳ vọng vào điều này, bởi đơn hàng không đều, vì thế, DN cũng không dám mạnh dạn đầu tư.

Do đó, hướng khả thi nhất là DN cố gắng tạo nhãn hàng riêng cho mình, phát triển mạng lưới bán lẻ để đi vào thị trường vẫn hơn. Qua trao đổi chúng tôi được biết, hiện nay, DN của ông Phước đã làm thủ tục xin đăng ký nhãn giày, dép (dành cho nữ) riêng với tên gọi Zanoti.

Ảnh: Quý Hòa
Nói như đại diện Công ty TNHH Nguyên Nguyên Phước, nhân sự trong ngành giày hiện nay cũng là câu chuyện khiến DN phải đau đầu.

Nhiều công nhân đã từng làm rất tốt ở các DN lớn khi chuyển qua làm DN nhỏ lại không thích ứng được, một phần cũng do DN lớn làm theo chuyền và đơn hàng trên mỗi sản phẩm lớn nên quen tay, trong khi ở DN nhỏ đơn hàng ít lại không đều, làm một thời gian, khi tay nghề cứng, họ lại chuyển sang DN khác nên người mới vào sẽ phải đi lại từ đầu.

Đó là lý do khiến chất lượng của thành phẩm không đều. Hơn nữa, bộ phận thiết kế mẫu trong DN nhỏ vẫn chưa đủ trình độ để cho ra nhiều mẫu, thậm chí làm mãi một mẫu mới nhưng cuối cùng chẳng đi đến đâu. Để giải quyết khâu mẫu mã, đã có lúc ông Phước phải mời hai hướng dẫn từ Trung Quốc sang nhưng mẫu mã làm ra lại không sản xuất được.

“Làm ngành này đôi khi có tiền không vẫn chưa đủ, quan trọng là tạo được ê-kíp”, ông Phước nhìn nhận. Nhìn lại thị trường giày dép nội địa, ông chỉ lắc đầu vì DN gặp quá nhiều rủi ro từ vòng xoáy: vốn - vật tư - thành phẩm; làm cầm chừng thì sống lay lắt còn làm đúng, làm đủ cũng không tránh được cái chết vì cái gì cũng nằm trong thế bị động.

Túi xốp cũng thành gánh nặng

Câu chuyện của Công ty TNHH Nguyên Nguyên Phước chỉ là một lát cắt về tình hình các DN nhỏ và vừa hiện nay. Điểm chung của đa phần DN này không chỉ nằm ở vấn đề giải quyết nguồn vốn, mà còn xuất phát từ trong nội tại của chính DN trong việc mở rộng đầu ra lẫn cách quản trị.

Ảnh: Quý Hòa
Liên quan đến vấn đề này, ông Đỗ Long, Tổng giám đốc Công ty TNHH Sản xuất hàng tiêu dùng Bình Tân (Bita’s), cho rằng, bây giờ lãi suất ngân hàng đôi khi không khiến DN bận tâm nữa, vì đối với DN nhỏ và vừa dù ngân hàng có cho vay lãi suất 10% họ cũng không dám vay.

Cụ thể như chính Bita’s, trước đây, những tháng sau Tết, lượng tiêu thụ giày dép khá mạnh nhưng nay, DN này phải thu hẹp 31%. Do đó, nên chăng Nhà nước tạo ra gói kích cầu để cứu DN, trước mắt là giải quyết vấn đề nguyên phụ liệu, lương công nhân...

Không sáng sủa hơn ngành da giày, ngành nhựa hiện nay cũng lâm vào thế điêu đứng. Mang bức xúc từ câu chuyện trong ngành, bà Huỳnh Thị Mỹ, Chánh văn phòng Hiệp hội Nhựa Việt Nam, bày tỏ: “Luật Môi trường chỉ quy định đánh thuế vào túi xốp, nhưng khi nghị định ban hành lại “hướng dẫn” đánh vào túi nhựa dính đến PE. Giờ đây, tất cả các DN trong ngành thủy sản, da giày, dệt may, nhựa... đều bị “dính” đến loại thuế này, trong bối cảnh hiện nay, DN đã khó càng khó!”.

Bà Mỹ cũng cho hay, từ đầu năm đến nay, doanh thu của DN trong ngành đã giảm 35% so với năm ngoái, lượng công nhân cũng đã giảm 20%, nhiều nhà máy đang đóng cửa. Không chỉ hạn chế về vốn, DN đang bị tác động từ chính sách vĩ mô.

Theo đó, với hình thức thu thuế “thà bắt lầm còn hơn bỏ sót” nhiều khả năng sẽ dẫn đến chuyện phá sản của nhiều DN trong ngành nhựa. Vì sao?

Hầu hết công nợ khi bán sản phẩm đều dao động trong khoảng thời gian từ 40-60 ngày nhưng thuế môi trường lại nộp ngay, DN sẽ luôn trong tình trạng kẹt vốn. “Bộ Tài nguyên - Môi trường cần sớm ban hành tiêu chuẩn về túi thân thiện môi trường để DN bớt bị ảnh hưởng”, bà Mỹ kiến nghị.

Ẩn số từ yếu tố vĩ mô

Ảnh: Quý Hòa
Trong tình hình hiện nay, không chỉ DN quy mô nhỏ mới “dính đòn”, DN lớn, quen với thị trường xuất khẩu, cũng cân - đong - đo - đếm để ổn định sản xuất. Trường hợp của Công ty CP Công nghiệp Đông Hưng là một điển hình.

Điểm nổi bật trong chuyến đi khảo sát thực tế trên toàn bộ khuôn viên nhà xưởng rộng hơn 4ha của Công ty CP Công nghiệp Đông Hưng là DN này đang chủ động sản xuất hầu hết các khâu: từ khâu nguyên liệu, in ấn, ép cao su làm đế, làm mũi đến ra thành phẩm.

Ông Hà Duy Hưng, Tổng giám đốc Công ty, cho biết, hiện nay, giày vải Đông Hưng có tỷ lệ nội địa hóa trung bình từ 80-100% (vật tư, nguyên liệu). Với những sản phẩm đơn giản thì con số này là 100%, những sản phẩm phức tạp sẽ nhập khẩu khoảng 15% nguyên phụ liệu.

“Việc chủ động được nguồn nguyên liệu không chỉ giảm thiểu chi phí vận chuyển, thanh toán linh hoạt..., mà DN còn có thể thương lượng với các thương hiệu lớn như Puma, Reebook... mức giá tốt hơn”, ông Hưng nói.

Không đơn thuần là câu chuyện quản lý nguồn nguyên phụ liệu, để duy trì hoạt động kinh doanh, “nước cờ” mà Đông Hưng đi cũng tương tự như một số DN địa ốc có quy mô lớn hiện đang triển khai. Đó là bỏ mô hình “công ty mẹ - công ty con”, dần chuyển thành chi nhánh hoặc bộ phận trực thuộc tổng công ty.

Tình hình hoạt động của DN tại KCX - KCN

Tính đến ngày 31/3/2012, tại các Khu chế xuất - Khu công nghiệp (KCX - KCN) TP.HCM có 1.217 dự án còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư hơn 7 tỷ USD. Trong số này có 1.035 dự án đang hoạt động, 24 dự án đang xây dựng và 82 dự án ngưng hoạt động, giải thể.

Riêng trong quý I/2012 có 3 dự án tạm ngưng hoạt động và 5 dự án giải thể trước thời hạn. Nguyên nhân chủ yếu là do các DN gặp khó khăn về vốn, không có đơn hàng sản xuất, khó khăn về thị trường đầu ra.

Còn những dự án giải thể trước thời hạn là do DN đã có kế hoạch từ năm trước.

(Nguồn: Ban quản lý các KCX - KCN TP.HCM)

Theo đó, ngoài nhà xưởng ở Bình Dương, Đông Hưng còn có hai công ty con khác là Công ty TNHH TM - DV- SX Duy Hưng (Dĩ An, Bình Dương) và Công ty TNHH TM - DV - SX Hiệp Trí (Thủ Đức, TP.HCM), với tổng cộng 6 nhà máy.

Hiện nay, Đông Hưng đã sử dụng phần nhà xưởng của Hiệp Trí để cho một công ty Singapore thuê mặt bằng làm trung tâm thương mại. Còn Hiệp Trí sẽ chỉ đảm nhận phần kinh doanh, phát triển sản phẩm mới.

Đối với DN lớn như Đông Hưng, những khó khăn còn phát xuất từ thị trường xuất khẩu. Theo đó, giá thành không theo kịp mức tăng của nguyên vật liệu đầu vào lẫn lương công nhân.

Hơn nữa, sản lượng đơn hàng đã giảm từ 30-50%, cụ thể là các nhãn hàng gia công cho nước ngoài như: Reebook, Puma, Nike... “Lãi suất đang ở mức thỏa đáng nhưng đơn hàng lại ít nên DN cũng ngại vay. Như chúng tôi hiện nay, điều quan trọng là cố gắng duy trì sản xuất ở mức bình thường, không tăng ca nhiều như trước đây, không cắt giảm lao động mà chuyển từ nơi này đến nơi khác”, ông Hưng nói.

Cũng theo ông Hưng, những DN lớn thường có khả năng chủ động về sản xuất và cạnh tranh tốt nhưng lại nơm nớp lo lạm phát bởi điều này sẽ kéo theo hàng loạt hệ lụy khác: tăng chi phí vận chuyển, tiền lương...

“Từ tháng 10/2011 đến nay, lương công nhân đã tăng thêm 25-30%, nếu năm nay lại tăng trước thời hạn, DN chỉ có nước dẹp hẳn!”, đại diện Đông Hưng bức xúc.


                                                                           HÀN NGUYÊN - PHA LÊ

Các Tin khác
    Tỉnh Bình Thuận tổ chức Lễ kỷ niệm “Ngày doanh nhân Việt Nam” (16/10/2023)
    Triển khai Bộ tiêu chí văn hóa kinh doanh Việt Nam với 8 tỉnh khu vực Đông Nam bộ (25/05/2023)
    Nghệ sĩ hội tụ cùng doanh nhân tại chương trình Nhạc hội Gala Doanh nhân 3 miền (25/11/2022)
    Khen thưởng doanh nhân, doanh nghiệp tiêu biểu (13/10/2022)
    Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Bình Thuận Chúc mừng ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10. (13/10/2022)
    VCCI công bố Sáu Quy tắc đạo đức doanh nhân Việt Nam (24/05/2022)
    Thủ tướng Chính phủ gặp mặt Hiệp hội Nữ doanh nhân Việt Nam (08/03/2022)
    Nữ doanh nhân thầm lặng làm việc thiện (20/10/2021)
    Tạo hình ảnh đẹp của doanh nghiệp, doanh nhân (13/10/2021)
    Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Bình Thuận Chúc mừng ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10. (13/10/2021)

HÌNH NỔI BẬT
HỘI VIÊN MỚI
ĐĂNG NHẬP
Tên đăng nhập

 Tên :
 Mật khẩu: 

   

HÌNH NỔI BẬT
New Page 1
LOGO HỘI VIÊN
THỐNG KÊ WEBSITE

Đang trực tuyến: 14

Lượt truy cập: dem truy cap 4472634

Bản quyền thuộc Hội Doanh nghiệp
HIỆP HỘI DOANH NGHIỆP BÌNH THUẬN.
Địa chỉ: 282 Nguyễn Hội - Tp. Phan Thiết - tỉnh Bình Thuận
Điện thoại: (062) 3831516
Email: vphiephoi@gmail.com, Website: www.doanhnghiepbinhthuan.vn
Thiết kế website bởi Công ty TNHH Giải pháp Trực tuyến Tính Thành - Mobile: 0917.668833