Đăng ký hội viên
Tìm kiếm  
New Page 1
 Ngân hàng Nhà nước chưa làm hết nhiệm vụ?




Thứ Sáu, 06/04/2012 - 07:07

Ngân hàng Nhà nước chưa làm hết nhiệm vụ?

(DN) Lúc này, NHNN phải thực hiện quyền hạn, nhiệm vụ của mình để kéo lãi suất cho vay xuống, không thể để cho doanh nghiệp chết, chuyên gia Bùi Kiến Thành khẳng định với Doanh Nhân. 

 
Báo cáo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) ngày 14/3/2012 cho thấy, đến cuối năm 2011, cả nước có hơn 620.000 doanh nghiệp có giấy phép, nhưng chỉ có khoảng 290.000 doanh nghiệp còn hoạt động và hơn 79.000 doanh nghiệp đã giải thể. Theo chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành, một trong những tác nhân chính của tình trạng đình đốn và nguy cơ phá sản của doanh nghiệp là lãi suất ngân hàng quá cao. Tại buổi làm việc giữa Thủ tướng và các chuyên gia vào ngày 25/3, ông Bùi Kiến Thành vẫn giữ nguyên quan điểm đó và tiếp tục đề xuất Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có chính sách với các ngân hàng thương mại cổ phần để giảm lãi suất cho vay, cứu doanh nghiệp.

- Thống đốc NHNN cho rằng, chưa thể làm quyết liệt việc hạ lãi suất được vì còn chưa giải quyết được vấn đề thanh khoản của hệ thống ngân hàng. Thế nên, việc ông kiến nghị liệu có khó thực hiện?

Tôi đã nhiều lần kiến nghị rằng, việc giải quyết thanh khoản cho hệ thống ngân hàng, cung ứng đầy đủ lưu lượng tiền tệ cho nền kinh tế phát triển ổn định, bền vững là nhiệm vụ và cũng là quyền hạn của NHNN. Vì Ngân hàng Trung ương có nguồn tín dụng không phải trả lãi suất cho ai cả nên họ có thể cho ngân hàng thương mại vay với lãi suất thấp để ngân hàng thương mại có thể cho doanh nghiệp vay với lãi suất hợp lý. Việc này tất cả các NHNN trên thế giới đều làm nếu xảy ra tình trạng thiếu thanh khoản trong hệ thống ngân hàng.

Chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành: "Nếu NHNN nhận thấy, Điều 10 và Điều 11 của Luật NHNN năm 2010 chưa cho đủ quyền hạn thì có thể đề nghị với Chính phủ trình Quốc hội xin bổ sung, mở rộng quyền hạn"
Vì vậy, theo tôi, NHNN nên sớm thực hiện vai trò này của mình để góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, theo tinh thần của Nghị quyết 11, và đặc biệt là Điều 3 "Thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, khuyến khích xuất khẩu…". Luật NHNN cho phép NHNN thực hiện vai trò điều phối của mình. Theo Điều 10 Luật NHNN: "Thống đốc NHNN quyết định việc sử dụng công cụ thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia, bao gồm tái cấp vốn, lãi suất...". Còn theo Điều 11 Mục 2, NHNN quy định và thực hiện việc tái cấp vốn cho tổ chức tín dụng theo các hình thức sau đây: cho vay có bảo đảm bằng cầm cố giấy tờ có giá; chiết khấu giấy tờ có giá; các hình thức tái cấp vốn khác.

Căn cứ vào các điều khoản trên, NHNN có thể cho NHTM vay theo lãi suất do Thống đốc NHNN quyết định, có thể là 3, 4 hay 5%/năm để NHTM cho doanh nghiệp vay với lãi suất dưới 10%/năm. Như vậy, sẽ không phải chờ NHTM hạ lãi suất huy động. Việc giải quyết thanh khoản không chỉ phụ thuộc vào nguồn vốn trong nhân dân mà còn từ nguồn tín dụng của NHNN. NHNN có thể chọn một trong 3 hình thức quy định ở Mục 2, Điều 11 và đặc biệt là hình thức (c) "Các hình thức khác" do NHNN tự thiết lập. Căn cứ vào điểm (c) này, NHNN có thể thiết lập một "Chương trình tái cấp vốn đặc biệt", ưu tiên cho "Thúc đẩy sản xuất kinh doanh, khuyến khích xuất khẩu…".

Nếu NHNN nhận thấy, Điều 10 và Điều 11 của Luật NHNN năm 2010 chưa cho mình đủ quyền hạn, họ vẫn có thể đề nghị với Chính phủ trình ra Quốc hội để xin bổ sung, mở rộng quyền hạn.

Điều đáng nói, chương trình tái cấp vốn sẽ không gây ra lạm phát vì chỉ được triển khai trong giới hạn tăng trưởng tín dụng đã được Nghị quyết 11 quy định. Tác động gián tiếp của nó sẽ là kéo lãi suất huy động xuống, vì NHTM sẽ bớt bị áp lực trong nhu cầu huy động vốn. Tình trạng hỗn loạn trên thị trường vốn và lãi suất sẽ được khắc phục. Hoạt động kinh tế dần dần sẽ trở lại ổn định và số vốn vay từ chương trình tín dụng đặc biệt này sẽ được hoàn trả cho NHNN.

- Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng, tại sao không để thị trường tự điều chỉnh việc hạ lãi suất này?

Thị trường có khả năng làm việc đó với điều kiện cần có thời gian. Thị trường không thể giảm lãi suất ngay, trong khi doanh nghiệp lại đang rất cần. Hiện lãi suất huy động là 13%/năm, thị trường sẽ cho vay ở mức nào cũng vẫn cao. Chúng tôi kiến nghị lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp phải dưới 10%/năm, đặc biệt đối với doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu. Có như vậy mới cạnh tranh được với các nước. Với độ mở của nền kinh tế hiện nay, doanh nghiệp Việt Nam đang phải cạnh tranh khốc liệt với doanh nghiệp tại các quốc gia khác, mà ở đó, chính sách tiền tệ không như ở nước ta. Với lãi suất 16-27%/năm, doanh nghiệp Việt Nam sẽ cạnh tranh thế nào với doanh nghiệp ở các nước có lãi suất 4 - 5%/năm?

- Có một thực tế là có không ít ngân hàng đang thừa tiền đồng mà không ai vay. Vậy nguyên nhân chính đâu có phải vì lãi suất cho vay quá cao, thưa ông?

Thị trường không thể giảm lãi suất ngay,

  trong khi doanh nghiệp lại đang rất cần. Hiện lãi suất huy động là 13%/năm, thị trường sẽ cho vay ở mức nào cũng vẫn cao. Chúng tôi kiến nghị lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp phải dưới 10%/năm, đặc biệt đối với doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu. Có như vậy mới cạnh tranh được với các nước.

Điều này cũng được đề cập tại buổi họp vừa qua giữa Thủ tướng và các chuyên gia. Tuy nhiên, Thống đốc NHNN cho rằng, ngoài vấn đề lãi suất, có một điều đáng quan ngại là khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp rất kém. Các doanh nghiệp thường than không tiếp cận được với ngân hàng, song thực tế nhiều doanh nghiệp tìm đến ngân hàng, nhưng không chuẩn bị hố sơ đủ khả năng thuyết phục, không thuyết trình được tính khả thi của các dự án cần vay vốn, cũng như khả năng trả lãi và hoàn trả vốn… Ngân hàng nào có thể cho vay với cách làm việc thiếu chuyên nghiệp như vậy?

Thế nên, trước mắt là vấn đề lãi suất, nhưng dài hạn thì doanh nghiệp Việt phải có thói quen chuẩn bị và trình bày dự án một cách chuyên nghiệp cho ngân hàng khi muốn vay vốn. Với ngân hàng cũng nên bỏ dần thói quen chỉ thẩm định hồ sơ cho vay với các sổ đỏ, giấy tờ tài sản thế chấp mà không đẩy mạnh việc kiểm soát và thẩm định dự án tại chỗ trước và giám sát sau cho vay.

- Vậy đối với quan điểm nên bỏ trần lãi suất ông thấy thế nào?

Tôi cũng được nghe nhiều chuyên gia tài chính đưa ra đề nghị tiến tới bỏ trần lãi suất cho vay. Tuy nhiên, thực tế Việt Nam hiện chưa làm được. Có thể ví việc bỏ trần lãi suất kiểu như bỏ đèn xanh, đèn đỏ trên các trục giao thông. Với nền kinh tế vẫn tồn tại những hoạt động tài chính kiểu "xé rào", tham nhũng… thì rất khó để thực hiện điều đó.

- Tuy nhiên, không phủ nhận động thái hạ lãi suất huy động xuống 1% trong tháng 3 vừa qua là nỗ lực của NHNN trong tiến trình hạ lãi suất cho vay sau này?

Với nền kinh tế vẫn tồn tại những hoạt động tài chính kiểu "xé rào", tham nhũng... rất khó có thể bỏ trần lãi suất

Tôi cho rằng, đó mới chỉ là biện pháp hành chính chứ chưa điều chỉnh theo hướng tích cực những yếu tố vĩ mô và thị trường tiền tệ. NHNN đến nay vẫn chưa có chế tài nào sau biện pháp hành chính đó.

- Thống đốc Nguyễn Văn Bình khẳng định, lạm phát cho cả năm 2012 sẽ khoảng 8,5% và không quá 9%. Song kiến nghị hạ lãi suất của ông lại vô tình đi ngược lại, tạo áp lực lên lạm phát?

Lạm phát là gì? Là đưa ra cho nền kinh tế quá nhiều phương tiện thanh toán. Nghị quyết 11 đã hạn chế hạn mức tăng trưởng tín dụng hàng năm rồi. Việc của NHNN là quản lý thế nào cho tốt hạn mức tín dụng đó, không quá 17% thì lạm phát liên quan đến lĩnh vực ngân hàng sẽ không còn hoặc giảm thiểu nhiều. Vấn đề lạm phát ở đây không chỉ liên quan đến lĩnh vực tiền tệ mà rất nhiều nguyên nhân khác nhau. Chẳng hạn như giá xăng, dầu, giá điện tăng, điều chỉnh giá.

Trở lại vấn đề, theo báo cáo của NHNN, việc thiếu thanh khoản của hệ thống ngân hàng thương mại chủ yếu tập trung vào các nhóm ngân hàng nhỏ. Từ đầu năm nay, NHNN đã bơm ra 160.000 tỷ đồng qua việc mua vào ngoại tệ, 36.000 tỷ đồng trong tháng 2 để hỗ trợ cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và xuất khẩu. Tuy nhiên, việc thiếu thanh khoản của hệ thống vẫn cần được giải quyết trước khi có thể quyết liệt hạ lãi suất cho vay. Những tín hiệu từ Chính phủ vừa qua là rất tích cực. Về lãi suất, mổi quý giảm lãi suất huy động xuống 1% là một tin đáng mừng. Nhưng, Việt Nam hiện có hàng vạn doanh nghiêp đang "cháy" vì khát vốn, hàng triệu người lao động đang có nguy cơ mất việc. Có nghĩa là kinh tế vĩ mô đang trên đà mất ổn định, an sinh xã hội sẽ khó được bảo đảm. Tôi nhất trí rằng, chữa bệnh thì phải chữa tận gốc, nhưng các bác sĩ cũng cần phải có phương án cấp cứu để người bệnh hồi phục tạm thời trước khi tiếp tục đưa ra những giải pháp chữa trị lâu dài.
 
Bài: Ngự Hà
Minh họa: H.P
Ảnh: Thiên Vũ

Các Tin khác
    Giới thiệu Sàn thương mại điện tử 3 tỉnh Bình Thuận - Ninh Thuận - Lâm Đồng (03/05/2024)
    Khai mạc Tuần lễ Triển lãm sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP tỉnh Bình Thuận tại TP. Hồ Chí Minh (22/04/2024)
    V/v thông tin chương trình Hội chợ - Du lịch - Xuất nhập khẩu thương mại - kết nối giao thương với Thành phố công nghiệp Sihueng năm 2024 (15/04/2024)
    Doanh nghiệp Việt Nam với xu hướng "chuyển đổi kép" (11/04/2024)
    V/v cập nhật danh sách cảnh báo các sản phẩm có nguy cơ bị điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ và chuyển tải bất hợp pháp (29/03/2024)
    Năm 2024 - VCCI sẽ tiếp tục đổi mới, lớn mạnh, khẳng định vị thế, vai trò (11/03/2024)
    Phát triển kinh tế đêm: Phan Thiết sẽ làm thí điểm (25/12/2023)
    Khai mạc Hội chợ triển lãm Công Thương - Sản phẩm OCOP tỉnh Bình Thuận năm 2023 (20/10/2023)
    Hiệp hội Doanh nhân & Đầu tư Việt Nam – Hàn Quốc tìm hiểu cơ hội đầu tư tại tỉnh Bình Thuận (21/08/2023)
    UBND tỉnh họp thảo luận Đề án phát triển kinh tế ban đêm tỉnh Bình Thuận đến năm 2030 (14/08/2023)

HÌNH NỔI BẬT
HỘI VIÊN MỚI
ĐĂNG NHẬP
Tên đăng nhập

 Tên :
 Mật khẩu: 

   

HÌNH NỔI BẬT
New Page 1
LOGO HỘI VIÊN
THỐNG KÊ WEBSITE

Đang trực tuyến: 2

Lượt truy cập: dem truy cap 4479212

Bản quyền thuộc Hội Doanh nghiệp
HIỆP HỘI DOANH NGHIỆP BÌNH THUẬN.
Địa chỉ: 282 Nguyễn Hội - Tp. Phan Thiết - tỉnh Bình Thuận
Điện thoại: (062) 3831516
Email: vphiephoi@gmail.com, Website: www.doanhnghiepbinhthuan.vn
Thiết kế website bởi Công ty TNHH Giải pháp Trực tuyến Tính Thành - Mobile: 0917.668833